Dữ liệu thu thập được trên thị trường trong khoảng một tuần qua cho
thấy, trước những biến động của tình hình chính trị, giá vàng thế giới
đã tăng khá mạnh.
Chẳng hạn, phiên giao dịch vào đêm 17/7 và rạng sáng ngày 18/7 tại
NewYork (Mỹ) giá vàng đã tăng tới 20 USD/oz, sau khi thông tin từ vụ máy
bay MH 17 của hãng hàng không Malaysia Ariline rơi ở miền Đông Ukraine,
gần biên giới Nga. Mặc dù, giá vàng thế giới tăng đột ngột như vậy,
nhưng giá vàng trong nước tại các DN lớn chỉ điều chỉnh tăng nhẹ. Đơn
cử, giá vàng SJC tại Hà Nội do Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI niêm yết
chỉ tăng lên 60 – 70 nghìn đồng/lượng. Trong khi nếu quy đổi theo tỷ giá
hiện nay giữa VND/USD thì mức tăng 20 USD tương đương hơn 400 nghìn
đồng.
Theo một chuyên gia, giá vàng trong nước thể hiện rõ xu hướng biến
động chậm hơn giá vàng quốc tế. Giá vàng thế giới đã có những phiên
tăng, giảm khá mạnh, trong khi giá vàng trong nước cũng tăng, giảm theo
nhưng với biên độ rất hạn hẹp, xu hướng ổn định đang thể hiện rất rõ.
Điều này cho thấy, người dân tỏ ra không còn mấy nhạy cảm với sự lên
xuống trồi sụt thất thường sau mỗi biến động của giá vàng thế giới như
trước đây.
Đặc biệt, trong mấy ngày gần đây, độ nhạy bén trong việc tăng và giảm
của giá vàng trong nước so với thế giới càng trở nên khá chậm. Nếu như
giá vàng thế giới ngày 20/7 trên trang kitco.com ở mức 1.308 USD/oz, thì
đến sáng ngày 21/7, trên thị trường thế giới, giá vàng tăng thêm 4 USD
so với hôm trước lên mức 1.312 USD/oz. Mặc dù giá vàng thế giới tăng
thêm 4 USD/oz (tương đương gần 100 nghìn đồng) nhưng giá vàng SJC trong
nước chỉ điều chỉnh tăng nhẹ 10.000 đồng/lượng. Tính đến thời điểm trưa
ngày 22/7, mặc dù giá vàng thế giới trên trang kitco.com vẫn niêm yết
xung quanh mức 1.312 USD/oz nhưng giá vàng SJC đã giảm nhẹ còn 36,74
triệu đồng/lượng, bán ra 36,79 triệu đồng/lượng.
Phụ trách kinh doanh của một doanh nghiệp kinh doanh vàng trên phố
Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho biết, thị trường vàng trong nước đang trầm
lắng cả ở chiều mua vào và bán ra. Nếu so với thị trường vàng của vài ba
năm về trước thì diễn biến của giá vàng trong nước khá chậm chạp. Trước
đây, có ngày các DN kinh doanh vàng phải thay đổi giá bán vàng tới 10
lần/ngày trên bảng điện tử thì gần đây chỉ vài ba lần cho dù giá thế
giới biến động mạnh và liên tục. “Hiện tượng người dân mang tiền đi mua
vài chục lượng vàng một lúc hầu như không có” – đại diện của doanh
nghiệp này nói.
Theo ông Đinh Nho Bảng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh
doanh vàng Việt Nam (VGTA), giá vàng trong nước tăng chậm hơn giá vàng
thế giới chủ yếu do cầu vàng trong nước đang yếu và với các biện pháp
quản lý và điều tiết thị trường của NHNN thì các hành vi đầu cơ hầu như
không còn cơ hội. Bên cạnh đó, theo như dự báo, giá vàng thế giới sẽ còn
tiếp tục giảm trong thời gian tới nên những người đầu tư vàng cũng rất
thận trọng. Sự thận trọng của nhà đầu tư, sự trầm lắng của thị trường đã
giúp chênh giá vàng trong nước và thế giới lại rút ngắn sau khi quy đổi
còn 3,2 triệu đồng/lượng.
TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho
rằng, vài ba năm trước, trên diễn đàn Quốc hội cũng như người dân còn
tranh luận nhiều về việc NHNN quyết định lấy vàng SJC làm thương hiệu
quốc gia. Đến nay có thể thấy, những lập luận của NHNN khi chọn vàng SJC
và các giải pháp quản lý thị trường vàng là tương đối phù hợp.
“Một quyết định không thể đáp ứng 100% nhu cầu xã hội, nhưng về cơ
bản đáp ứng được lợi ích của đa số người dân. Dù giá vàng trong nước còn
chênh với giá vàng thế giới nhưng giá đã được hình thành theo cung –
cầu trong nền kinh tế thị trường. Do vậy, nếu cơ quan quản lý đưa ra
quyết định can thiệp tiếp vào thị trường để đưa giá vàng trong nước sát
với giá vàng thế giới thì chúng ta lại trở về thời bao cấp”- TS. Nguyễn
Đức Kiên nhấn mạnh.