Ngày 1-6 thông tư này sẽ có hiệu lực nhưng rất nhiều doanh nghiệp (DN) cho hay họ không biết đến thông tư này.
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA, cho biết chỉ có
10% các cơ sở sản xuất kinh doanh vàng ở TP.HCM biết đến Thông tư 22.
Hơn nữa rất nhiều DN còn cho rằng việc áp dụng quy định này vào thực tế
rất khó khăn.
Ông Trần Hải, DN sản xuất vàng Hải Nguyên, cho hay
chẳng hạn quy định cho phép vàng trang sức được dùng kim loại nền nhưng
phải xử lý bề mặt sao cho không gây nhầm lẫn với thành phần là vàng.
Nhưng đây là sản phẩm trang sức cần tính thẩm mỹ cao nên sự hài hòa giữa
kim loại nền và vàng là cần thiết nên áp dụng quy định này vào thực tế
rất khó. Trong khi đó, có những sản phẩm xi mạ là phi kim loại nhưng có
khi phải xi đến 2-3 lớp nên số tiền nước xi còn đắt hơn vàng nhiều lần.
Ngoài ra việc tính tiền phạt cao gấp 15 lần/sản
phẩm được các DN cho rằng quá cao. Chưa có đơn vị nào đủ tư cách pháp lý
để đo đạc chuẩn của chất lượng vàng thì liệu phạt có oan hay không. Ấy
là chưa kể số lượng vàng nữ trang tồn kho rất lớn và đang được lưu hành
nhiều trong dân.
Theo ông Phạm Văn Tám - chủ tiệm vàng Kim Hảo, Phó
Chủ tịch SJA, nhiều DN nếu thực hiện thông tư từ ngày 1-6 tới sẽ gặp khó
khăn. Nếu áp dụng thì gần 100% DN sẽ bị phạt. “Tôi đề nghị nên hoãn lại
thêm một năm nữa mới áp dụng. Đến giờ phút này nhiều DN đã phải ngưng
hoạt động, nhiều DN còn lại cũng lao đao. Rất nhiều thợ kim hoàn đã phải
chuyển nghề đi chạy xe ôm rồi” - ông nói.
PL