Tăng, giảm thất thường vốn là đặc tính của vàng, thứ hàng hóa đặc
biệt trên thị trường. Trước đây, thị trường vàng trong nước luôn dịch
chuyển theo chiều hướng khi giá thế giới tăng, giá trong nước cũng tăng
theo và ngược lại. Nhưng, 1-2 năm gần đây, thị trường vàng trong nước
lại đi một mình một hướng, nếu có ảnh hưởng của thế giới cũng không
nhiều. Sự sốt sắng, cũng như kỳ vọng quá lớn của giới đầu tư vào vàng
khiến kênh đầu tư này trở nên quá “nóng”, trong khi trong nước lại không
thể sản xuất được vàng. Quá nhiều người đổ tiền vào vàng, đẩy giá vàng
leo thang từng ngày; khoảng cách giá vàng giữa hai thị trường cũng vì
thế mà nới dần, từ vài trăm nghìn/lượng lên 1 triệu, 2 triệu, thậm chí
là 5 triệu đồng/lượng. Có một điều lạ là giá vàng càng tăng, người ta
lại càng lao vào vàng với tâm lý mua để tích trữ. Giá vàng chỉ thực sự
hạ nhiệt khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mở những phiên đấu thầu vàng. Mặc
dù sau nhiều phiên tổ chức năm 2013, khoảng cách giá vàng giữa hai thị
trường chưa được cải thiện, nhưng với việc tăng cung, thị trường đã hoạt
động ổn định hơn. Nhu cầu về vàng của người dân đã được đáp ứng, cảnh
phải xếp hàng để mua vàng không còn diễn ra, vàng dần trở về với giá trị
thực.
Sau một thời gian dài “lệch” hẳn so với giá vàng thế giới, mấy ngày
gần đây, giá vàng trong nước đã rút ngắn khoảng cách xuống chỉ còn hơn 1
triệu đồng/lượng. Bất chấp giá vàng thế giới tăng mạnh, giá trong nước
vẫn ít có đột biến, nhờ vậy có những thời điểm khoảng cách với giá vàng
trong nước rơi xuống dưới ngưỡng 1 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, khi giá
vàng thế giới giảm mạnh, giá trong nước chỉ rơi nhẹ, nên khoảng cách lại
được nới thêm lên khoảng 1,5 triệu đồng/lượng. Trên thị trường Hà Nội,
trong mấy ngày gần đây, giá vàng giao dịch quanh ngưỡng 36,15 – 36,4
triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng trên thị trường thế giới ở mức
1.360 USD/ounce. Theo các chuyên gia, thị trường trong nước đã ổn định
trở lại, nguồn cung lớn từ NHNN đưa ra trong suốt năm 2013 khiến cơn sốt
vàng không còn. Hơn nữa, vàng không tiếp tục là kênh đầu tư “hốt bạc”,
hay dễ lướt sóng như trước nên nhiều nhà đầu tư đã “quay lưng” lại với
vàng. Tuy nhiên, một lý do quan trọng hơn cả là sự hồi phục của nền kinh
tế khiến vàng mất đi vị thế là “hầm trú ẩn” cho dòng tiền và thay vào
đó, người ta tìm đến những kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng
khoán hay ngoại tệ.
Nhận định về giá vàng thời gian qua, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng
Vụ Quản lý ngoại hối NHNN cho rằng, từ đầu năm 2014 đến nay, thị trường
vàng diễn biến ổn định cả về giá và lượng giao dịch. Nhiều tuần trở lại
đây, các tổ chức tín dụng đã phải mua ròng thay vì bán ròng vàng như
trước, cho thấy nhu cầu của thị trường không nhiều. Do đó, NHNN tạm thời
chưa tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng. Nhưng nếu thị trường có nhu
cầu, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu để tăng cung, góp phần bình ổn
thị trường. Về đề xuất của một số doanh nghiệp muốn nhập khẩu vàng
nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, NHNN đang xem xét vấn đề này.
Nếu cho phép nhập khẩu để sản xuất vàng trang sức, NHNN sẽ có cơ chế
quản lý, để số vàng nguyên liệu nhập khẩu phải được sử dụng đúng mục
đích, bảo đảm đúng tiêu chuẩn chất lượng.
Câu hỏi đặt ra là liệu giá vàng trong nước đã hợp lý để mua vào hay
chưa? Theo các chuyên gia, mặc dù giá vàng trong nước chỉ còn cách thế
giới 1-1,5 triệu đồng/lượng, giảm mạnh so với những thời điểm khoảng
cách này lên tới 4-5 triệu đồng/lượng, nhưng nhà đầu tư vẫn nên cân nhắc
trước khi mua. Bởi, vàng là thứ hàng hóa đặc biệt khó dự đoán, hơn nữa
dư địa giảm giá đối với thị trường trong nước vẫn còn. Khoảng cách giữa
hai thị trường hiện nay vẫn cao so với nhiều thời điểm trước, gây rủi ro
cho nhà đầu tư.
Theo HNM